Khi nào nên mổ nội soi viêm xoang?

Đặng Việt Cường (vietcuong@gmail.com)

Người cao tuổi bị suy giảm sức đề kháng nên cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn; do suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật, do hệ thống “lông chuyển”, có chức năng vận chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém vì bị lão hóa nên chất nhầy tồn đọng trong xoang tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây viêm xoang... Một người bị viêm xoang thường có các biểu hiện đau nhức ở vùng xoang. Chẳng hạn viêm xoang hàm thì đau nhức vùng gò má; viêm xoang trán thì nhức giữa 2 lông mày; viêm xoang sàng trước thì nhức giữa 2 mắt; viêm xoang sàng sau hay xoang bướm thì thấy đau nhức trong sâu, nhức vùng gáy. Chảy dịch: tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm, nếu viêm các xoang trước thì dịch chảy ra mũi trước. Nếu viêm các xoang sau thì dịch chảy vào họng. Vì chảy dịch nên người bệnh có cảm giác luôn phải khụt khịt mũi hoặc cảm giác lờ đờ ở cổ họng luôn muốn khạc nhổ. Tính chất dịch: tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bệnh mới mắc hay mạn tính. Dịch nhầy có màu trắng, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, có mùi hôi, khẳn. Nghẹt mũi: bệnh nhân có thể nghẹt 1 bên, hoặc nghẹt cả 2 bên mũi. Điếc mũi: bệnh nhân viêm xoang thường mất ngửi mùi, vì viêm nặng, phù nề nhiều, nên mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác làm bệnh nhân mất ngửi. Trường hợp bố bạn viêm xoang mạn tính nếu điều trị nội khoa (dùng thuốc) không tiến triển có thể cần phối hợp can thiệp thủ thuật (thủ thuật Proetz) súc rửa xoang: là cách rửa xoang để lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm. Hoặc phẫu thuật nội soi xoang: mở các đường dẫn lưu trong mũi nhằm khắc phục tình trạng do viêm xoang ảnh hưởng đến khả năng thở của mũi.

BS. Hoàng Văn Thái