Nên làm gì khi bị bệnh tê bì tay chân?

Trong cuộc sống thường ngày có thể gặp nhiều cảm giác ở da như rát, đau, nóng, lạnh, trong đó có danh từ tê bì. Danh từ “bì”, nghĩa là da, “tê” là một cảm giác, tê bì là một cảm giác ở da.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tê bì tay, chân rất đa dạng, có thể do sinh lý khi ngồi, đứng, cầm nắm vật gì đó… trong khoảng thời gian dài (khoảng từ 2 giờ đồng hồ) làm cho mạnh máu và thần kinh bị chèn ép, khiến cho máu khó lưu thông, gây ra hiện tượng tê bì tay, chân sinh lý.

Một số trường hợp tê bì chân tay do khi thời tiết chuyển mùa nhất là từ thu sang đông, trời lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, khô hanh làm cho trạng thái thần kinh và mạch máu thích ứng chưa kịp, trong khi đó da và tổ chức dưới da là một cơ quan rất giàu các mao mạch và các tận cùng của thần kinh, nhất là thần kinh vận động, thần kinh thực vật (cảm giác). Tê bì tay chân còn gặp khá phổ biến do bệnh tật, nhất là các bệnh về thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp cột sống cổ, khớp vai. Mỗi một vị trí khe khớp cột sống cổ có vô số dây thần kinh đi qua chi phối vận động, cảm giác cho các vùng từ vai gáy đến tay, chân. Khi thoái hóa cột sống cổ, đặc biệt là mỏm gai sẽ đè vào các dây thần kinh chi phối vai gáy, các chi gây nên đau, mỏi, tê bì. Khi bị thoái hóa khớp vai làm ảnh hưởng rất lớn đến các dây thần kinh vận động vai, gáy, cánh tay, cẳng, bàn tay, ngón tay, nếu kết hợp có thoái hóa cột sống cổ, tê bì tay càng rõ rệt hơn. Đối với chân, ngoài tác động của thần kinh chạy từ đốt sống cổ, còn được chi phối bởi thần kinh đi qua cột sống lưng, thắt lưng. Nếu có thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ có tác động xấu đến các dây thần kinh chi phối hai chân, nhất là trong trường hợp lồi đĩa đệm gây đau thần kinh tọa.

Ngoài ra, tê bì tay chân còn có thể do hội chứng ống cổ tay làm co thắt mạch máu ngoại vi, thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay, trong khi thần kinh giữa là thần kinh nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ, ngón giữa và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó và điều khiển vận động các cơ của các ngón tay. Một số người thiếu vitamin B1, B12 cũng có thể xuất hiện bệnh tê bì tay chân.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện ban đầu của bệnh là các đầu ngón tay bị tê, có cảm giác như bị kim châm, buồn, tê ở các ngón tay, ngón chân và có thể kèm theo chuột rút cơ bắp. Thời gian đầu mới bị bệnh là tê tay, tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa (vùng dây thần kinh giữa chi phối cảm giác). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người bệnh cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay và tê nhiều hơn ở hai ngón trỏ và giữa. Tê tay thường xuất hiện khi cử động bàn ngón tay như phải cầm nắm dụng cụ lao động lâu đối với người cầm máy khoan bê tông, khoan gỗ hoặc với lái xe đi đường dài, đôi khi đang đi xe phải dừng lại và vẩy tay mấy cái cho đỡ tê rồi mới đi tiếp được hoặc chỉ cầm lái một tay (rất nguy hiểm).

Đôi khi tê tay xuất hiện trong lúc nghỉ ngơi như khi đang ngủ bị thức giấc vì tê, đau, buốt các ngón tay, chân. Ngoài tay, các triệu chứng tương tự cũng xuất hiện ở bàn chân, cổ chân, chạy lên cả vùng cẳng chân, mông, đùi và eo…

Biến chứng

Thực chất của bệnh tê bì tay chân là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là triệu chứng của một số bệnh, thường gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ, khớp vai, cột sống hoặc một số bệnh như đái tháo đường... Khi có biến chứng xảy ra cần xem xét kỹ là do bệnh gì gây nên chứ không phải do tê, bì gây nên. Khi bệnh tê bì tay, chân nặng dần lên, mức độ tê, đau ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng (nếu không được điều trị) sẽ gây rối loạn vận động, tay cử động yếu bàn tay, bàn chân bị tê nhức, buốt nhiều, đau lan dọc cả cánh tay, khó cầm nắm đồ vật và việc đi lại bắt đầu gặp khó khăn. Nếu bị thoái hóa cột sống (cổ, lưng, thắt lưng), đau thần kinh tọa hay thoát vị đĩa đệm có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như đau vai gáy, đau thắt lưng, đau dọc theo dây thần kinh, tê buốt mặt ngoài cẳng chân, bàn chân, cử động khó khăn, thậm chí rối loạn tiểu tiện, đại tiện khi đã có biến chứng nặng.

Nên làm gì khi bị bệnh tê bì tay chân?

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tê bì tay chân cần được hỏi bệnh kỹ càng, trên cơ sở đó để có các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp giúp chẩn đoán bệnh, ví dụ, do ngồi nhiều, cúi nhiều bởi đặc thù nghề nghiệp (công việc văn phòng, lái xe, công nhân khoan bê tông, gỗ…) sẽ được chú ý đến cột sống cổ, khớp vai, cột sống thắt lưng. Thông thường được chụp X-quang cột sống cổ với các tư thế thẳng, nghiêng (trái, phải), chếch hoặc chụp khớp vai (thẳng, nghiêng). Nếu thấy cần thiết sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nên làm gì?

Cần phát hiện sớm nguyên nhân gây tê bì tay chân để được điều trị sớm. Muốn vậy, khi thấy xuất hiện tê bì tay chân hoặc được biết bị thoái hóa cột sống cổ, vai, thắt lưng, người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Trong cuộc sống thường ngày không nên ngồi một chỗ quá lâu (người cao tuổi thường lười vận động) hoặc cúi quá lâu (đọc sách, xem vô tuyến, đánh máy, lái xe…), nên có giải lao giữa giờ. Hàng ngày nên vận động cơ thể đều đặn bằng các động tác dễ thực hiện nhất như đi bộ, chơi các môn thể taho nhẹ nhàng. Nếu sức yếu, tuổi cao có thể đi lại trong nhà, trong sân, trong vườn vẫn rất tốt.

TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU