Trong khi đó, cơ chế gây bệnh chưa được tìm hiểu rõ ràng nên biểu hiện ù tai đến nay vẫn là một thách thức điều trị với thầy thuốc mọi chuyên ngành.
Ù tai có thường gặp không?
Ù tai chia làm hai loại là ù tai chủ quan và ù tai khách quan.
Ù tai chủ quan: Ù tai chỉ bệnh nhân nghe thấy. Đây là loại hay gặp nhất, nó có thể gây ra bởi những bệnh lý của tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ù tai có thể gây ra bởi dây thần kinh nghe (dây VIII) hoặc não.
Ù tai khách quan: Người khám cũng nghe thấy, chủ yếu là do các vấn đề về mạch, bệnh hệ thống xương của tai giữa hoặc do co cơ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ù tai chiếm tới 25% dân số và tỷ lệ này tăng lên từ 45 – 60% ở người trên 60 tuổi. Trong cuộc sống công nghiệp, thường xuyên chịu áp lực, stress từ cuộc sống, môi trường tiếng ồn cao trên ngưỡng của sức nghe, các bệnh lý tai mũi họng càng ngày càng tăng... làm cho triệu chứng ù tai hiện tại là một trong những biểu hiện mà người bệnh hay đến khám. Ù tai là cảm giác nghe thấy tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai, có thể kèm theo nghe kém và chóng mặt. Nguyên nhân có thể do dáy tai lâu ngày bít lấp ống tai ngoài hoặc do chấn thương rác h ống tai ngoài, màng nhĩ, chuỗi xương con... Ù tai khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh đôi khi không mô tả được tiếng ù, nếu mô tả thì thường là có tiếng nhạc, lúc thanh, lúc trầm hoặc như tiếng ve kêu, dế kêu, còi tàu, tiếng mạch đập, tiếng cối xay...
Dị vật trong tai là một nguyên nhân gây ù tai.
Nguyên nhân gây ù tai
Tùy theo loại ù tai để người thầy thuốc đi tìm nguyên nhân, với những ù tai có nguyên nhân có thể can thiệp được. Cách xuất hiện cảm giác ù tai có thể là đột ngột hoặc tiến triển dần dần lúc đầu từng đợt sau đó xuất hiện liên tục.
Ù tai do viêm tai ngoài, dị vật tai ngoài (viêm tấy, nút dáy, dị vật), do viêm tai giữa (viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa thanh dịch, xốp xơ tai giai đoạn đầu), do viêm tắc vòi tai (do viêm xoang, rối loạn chức năng vòi do suy nhược), ù tai do tai trong như viêm mê nhĩ cấp... Hoặc những ù tai do tăng huyết áp, kích thích gây giãn hệ thống mạch máu xung quanh cấu trúc của tai là những ù tai có thể chữa được nếu giải quyết được các nguyên nhân gây bệnh.
Ù tai do tổn thương dây thần kinh thính giác, do tổn thương tai trong không hồi phục (viêm mê nhĩ mủ, rò ống bán khuyên, tiếp xúc tiếng ồn, lão thính, ngộ độc ốc tai do thuốc, hóa chất), ù tai trong các bệnh lý ung thư vòm, do các bệnh lý của não (điều hành trung tâm nghe) hoặc bệnh lý tâm thần như ảo thanh thường chỉ giảm được cảm giác ù hoặc không chữa được.
Ứng phó thế nào?
Ù tai không chỉ thuộc chuyên khoa tai - mũi - họng, mà có liên quan đến nhiều chuyên khoa khác như tim mạch, nội tiết, chấn thương, ung bướu. Tuy nhiên, có đến trên 80% là các nguyên nhân từ bệnh thuộc chuyên khoa tai mũi họng. Nếu bạn có biểu hiện này nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân ù tai (nếu có) để chữa trị và bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ là người định hướng nếu nguyên nhân thuộc chuyên khoa nào sẽ gửi người bệnh tới chuyên khoa phù hợp để hỗ trợ. Ù tai ảnh hưởng tới toàn trạng với nhiều mức độ khác nhau: Mất ngủ, khó tập trung, trầm cảm, bực bội...
Nên có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn, giúp cho máu đến vùng đầu cổ tốt. Tránh uống rượu và những thứ có rượu, thuốc lá, chất caffeine...
Có chế độ ăn hợp lý như ăn bớt mặn, nghỉ ngơi đầy đủ, nếu phải làm việc trong môi trường tiếng ồn phải có trang bị phòng hộ như nút tai, nghỉ ngơi thính giác hợp lý. Kiểm soát huyết áp tốt với sự giúp đỡ của bác sĩ tim mạch.
Các bác sĩ có thể phối hợp thêm các thuốc hoặc một số phương pháp như mát-xa tai, sử dụng phương pháp che lấp bằng máy phát tiếng động.
BS. Lê Minh Giang